MENU

BẤM VÀO NHÃN DƯỚI ĐÂY ĐÊ TÌM BÀI:

CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**GIÁO XỨ TÂN LÝ KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ TU SĨ, QUÍ HỘI ĐỒNG MỤC VỤ, QUÍ CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA ***

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

GIÁO XỨ TÂN LÝ


Giáo phận Phan Thiết
Nhà thờ Giáo xứ Tân Lý
Nhà thờ Giáo xứ Tân Lý - Giáo hạt Hàm Tân
Địa chỉ :      Xã Tân Bình, Hàm Tân, Bình Thuận ( Bản đồ )
Chánh xứ : Linh mục Fx. Nguyễn Quang Minh  (5/2018)
Phó xứ     : Linh mục Đaminh Lê Hoàng Vương

Tel
(062) 566-260
E-mail
Năm thành lập
1885
Bổn mạng
Thánh Giuse (19/3)
Số giáo dân
4124

Giờ lễ
Chúa nhật     :  5:00  -  6:30 (NT họ Đá Dựng) - 15:30
                       18:50 (nhà thờ họ Tân Long)
Ngày thường :  18:30  (Thứ 7)Giờ lễ có thể t
http://www.giaoxugiaohovietnam.com/PhanThiet/01-Giao-Phan-PhanThiet-TanLy.htm
Các nhà thờ lân cận :   Gx Đá Dựng  -   Gh Tân Long
Lược sử Giáo xứ Tân Lý
Ngày nay, du khách từ Sàigòn ra Hàm Tân, trên quốc lộ 1A đến ngã ba 46 rẽ phải, di chuyển khoảng 20 km2 thì đến trung tâm thị xã Lagi, sau đó hướng về cầu Tân Lý, trên
con đường tỉnh lộ Cách Mạng Tháng Tám chạy dài ra Đồi Dương Hàm Tân, du khách sẽ thấy một ngôi thánh đường nguy nga, đó là Giáo Xứ Tân Lý.  



1/Vị Trí Địa Lý
Giáo xứ Tân Lý nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Bình Thuận, là một trong những Giáo xứ lâu đời trong vùng Hàm Tân – Lagi.
Hiện nay, Giáo xứ Tân Lý tọa lạc ở phường Bình Tân, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận. Phía Đông giáp Biển Đông, phía Bắc giáp Giáo xứ Bình An và Phước An, phía Tây và phía Nam được bao bọc bởi con sông Dinh chảy dài ra Biển Đông. Về khía cạnh tôn giáo, diện tích của Giáo xứ khoảng 7 km2. Nếu dân số của huyện Hàm Tân là 105.000 dân [1][1], thì giáo dân Tân Lý là 5192 [2][2] người. 
2/Giai Đoạn  Phôi Thai.
Khoảng năm 1664, các nhóm quân nhân có Đạo, gốc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… tòng quân Nam Triều vào chinh phục vùng đất Ninh Thuận, Bình Thuận (lúc này thuộc lãnh thổ nước Chiêm Thành), sau đó, họ lưu lại luôn tại vùng đất này. Như vậy, vào khoảng thế kỷ XVII, vùng đất Bình Thuận đã có người Công Giáo định cư. Chính vì thế mà đến năm 1685, vùng Lagi đã có khoảng 300 giáo dân (theo tài liệu của Tòa Giám Mục Nha Trang, USU số 105) [3][3].
Dưới thời vua Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883), việc cấm cách, bắt bớ đạo nặng nề. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 1848 đến năm 1862, dưới thời vua Tự Đức đã xảy ra rất nhiều biến cố quan trọng liên quan đến đạo và đời rất phức tạp. Đó là việc quân đội Pháp, Tây Ban Nha lấy cớ bảo vệ giáo sĩ, giáo dân, yêu cầu được tự do truyền giáo, nổ súng tấn công Đà Nẵng (1858), Gia Định (1859) và chiếm đóng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Trước tình hình đó, vua Tự Đức ra nhiều chỉ dụ cấm đạo rất ngặt nghèo, chẳng hạn : “ Đối với giáo sĩ người nước ngoài, Linh Mục bản xứ, nếu bị bắt thì xử tử hình bằng mọi hình thức; đối với giáo dân phải bỏ đạo, đạp Thánh Giá, nếu không tuân hành, tùy trường hợp, hoặc tử hình, hoặc đánh đòn, thích chữ vào mặt rồi đưa đi đày…” [4][4]. Trong số những chỉ dụ cấm đạo của vua Tự Đức từ năm 1848 đến năm 1862, thì chỉ dụ ban hành vào tháng 7 năm 1861 gọi là chỉ dụ “ phân sáp giáo dân” là quyết liệt và nghiêm khắc hơn cả. Với sắc lệnh phân sáp này, cùng với những chỉ dụ trước đây của vua Tự Đức đã ban hành từ những năm (1848, 1851, 1855, 1857, 1859, 1860), các làng, xóm đạo trong cả nước đã phải trải qua những sóng gió và thiệt hại rất lớn.
Trong bối cảnh đó, hàng ngàn người phải di cư lánh nạn để trốn những cuộc truy sát của quân triều đình thi hành chỉ dụ. Trong số những người lánh nạn thời điểm đó có nhiều giáo dân gốc Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên… đã trốn vào vùng Phan Rí, Hòa Thuận, Mũi Né, Kim Ngọc, Tầm Hưng và Lagi để tị nạn.
Sau hòa ước Giáp Thân (1884), tầng lớp quan lại, võ tướng, sĩ phu, khoa mục, hào kiệt… thuộc “Văn hào Thân sĩ ” gọi tắt là Văn Thân. Họ là những người thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, có đầu óc bài ngoại, phản đối hòa ước, hô hào chống Pháp [5][5]. Vì không đánh được quân Pháp nên họ quay sang sát hại người công giáo mà họ cho là theo Pháp. Các nhóm Văn Thân đi khắp nơi tiếp tục sát hại người công giáo, khiến nhiều giáo dân phải chạy vào Hàm Tân, Bà Rịa và Sài Gòn. Một số ít thoát được cuộc tàn sát nhờ quay sang gia nhập các nhóm Văn Thân [6][6].
Đó là gốc tích một số gia đình công giáo đã có trước khi Cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn đem người vào vùng Lagi lập Họ Tân Lý.
3/Giai Đoạn Hình Thành.
Một vị quan Nam Kỳ tên là Đốc Phủ Nghiêm, được chính quyền Pháp cử ra Bình Thuận để dẹp phong trào Văn Thân. Ông là một người công giáo, có lòng đạo đức. Nhờ đó mà giáo dân có điều kiện để ổn định đời sống và xây dựng lại nhà thờ. Mặc khác, ông là người giỏi về quân sự, nên chẳng bao lâu, ông đã dẹp được các cuộc nổi dậy của phong trào Văn Thân. Lúc này, lương dân theo đạo rất nhiều vì họ nghĩ rằng, muốn không bị phạt họ phải theo đạo công giáo. Do đó, số tín hữu ngày càng tăng, Cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn lúc này đang ở Kim Ngọc, phải lo đi lập thêm nhiều xứ mới [7][7].
Họ Lagi - Tân Lý được chính thức thành lập vào khoảng năm 1885, do Cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Ngọc Ẩn (Địa Phận Quy Nhơn) chiêu tập số giáo dân sống rải rác trong vùng Tam Tân gốc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên chạy loạn và trốn bách hại, đến khai phá rừng hoang và canh tác làm ăn sinh sống [8][8].

An gặp an hân hoan ba chén

Nạn gặp nạn cảm mến thâm tâm.
Còn theo “Nam Kỳ Địa Phận”, khoảng năm 1884 – 1885, Cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn ( Bảy Ẩn ) đã đem hai gia đình có đạo ở Kim Ngọc [9][9] vào Lagi, còn tại đây thì đã có hai nhà có đạo gốc Quảng Bình tới đó từ trước [10][10], và có năm nhà ngoại giáo [11][11] cũng xin gia nhập đạo để giữ ruộng đất mà họ đã khai phá. Còn nhiều người khác thì không muốn theo đạo, sợ ở đây khó lòng nên đã di chuyển qua ở phía bên kia bờ tả sông Dinh. Cha Ẩn còn đem năm gia đình [12][12] mới theo đạo ở Vang Kê [13][13] (Khe Gà, Kê Gà) vào Lagi lập nghiệp. Tại Lagi, Cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn đã xin khẩn đất tại xóm Liên Trì nơi bờ tả sông Dinh, làng Tam Tân (Tân Quý, Tân Xuân, Tân Hoàng) [14][14], cất một nhà thờ, và năm sau thì lập nên làng riêng tên là Tân Lý [15][15].
Cũng theo tài liệu quí giá bằng chữ Hán còn được lưu giữ tại văn phòng Giáo xứ Tân Lý, cho biết như sau[16][16] :
a.     Linh Mục Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn cùng với các viên chức địa phương đi khám đất. Văn bản được ký ngày 27 tháng 3 năm Thành Thái thứ Năm tức là năm 1893, Quý Tỵ[17][17].
b.     Linh Mục Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn làm đơn xin khẩn ruộng hoang, được các viên chức xã Tam Tân thỏa thuận và làm tờ nhượng giao đất, ký ngày 12 tháng 10 năm Thành Thái thứ Năm tức là năm 1893, Quý tỵ.
c.     Trước đó, để tránh sự tranh chấp về số đất mà Linh Mục Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ân khai khẩn, phủ Hàm Thuận (nay là Tỉnh Bình Thuận) làm tờ trát, truyền cho xã Tam Tân giao nhượng cho Linh Mục Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn bốn sở đất để khai khẩn nhằm thu hoa lợi. Tờ trát ký ngày 27 tháng 5 năm Thành Thái thứ năm tức là năm 1893, Quý tỵ.
d.     Xã Tam Tân đồng ý cắt đất ấp Liên Trì, lập thành một thôn mới có tên là Tân Lý. Xã Tam Tân ký ngày 04 tháng 9 năm Thành Thái thứ bảy tức là năm 1895, Ất tỵ.
e.     Lý trưởng thôn Tân Lý xin quan tỉnh cùng các tòa phê chuẩn và cấp một con dấu khắc tên : Lý Trưởng Thôn Tân Lý, để lập tên thôn mới.
f.       Một Linh Mục người Pháp tên là Pierre Archimbaud (Cố Đức) cũng đã dẫn các viên chức địa phương đi khám đất để chịu thuế. Sự việc được ghi nhận ngày 25 tháng 9 năm Thành Thái thứ Bảy tức là năm 1895, Ất tỵ.
g.     Đơn trưng khẩn và gắn thành bìa địa bộ (phân chia ranh đất) được tỉnh Bình Thuận cấp như sau :

Phía Đông             :         cận giáp Cây Dừa.

Phía Tây                :         cận giáp Suối Đá.

Phía Nam              :         cận giáp Hồ Tôm.

Phía Bắc               :         cận giáp Núi Đất.

Như vậy, về phương diện hành chính liên quan đến đất đai, tên gọi thôn Tân Lý đã được biết đến từ năm 1895 dưới thời vua Thành Thái. Một con dấu (triệt) bằng đồng, hình vuông còn được lưu giữ, chung quanh 4 cạnh có hàng chữ như sau : P. Bình Thuận, H. Hàm Tân, G. Phong Điền, V. Tân Lý; ở giữa có 5 chữ nho :  Tân – Lý – Thôn - …Bản.
Tuy nhiên, về phương diện tôn giáo, danh xưng Họ đạo vẫn có tên gọi là : Họ Đạo Lagi. Một bức thư của Linh Mục Giuse Trần Hiếu Lễ gởi cho Đức Giám Mục QUINTON có ghi như sau : Village de Tân Lý (Lagi) được ký vào ngày 21 tháng 11 năm 1929. Một con dấu (triệt) bằng đồng, hình bầu dục còn được lưu giữ, chung quanh có hàng chữ như sau : Họ Công Giáo Lagi.
Ban đầu, Cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn cất một nhà thờ gần mé sông nơi động cát (mãnh đất ấy gọi là “giếng đụt” Bà Hạp, nay là chùa Tân Long) [18][18], mà chổ này không thông khí, độc địa, nên Cha đã dời vô phía trong gần rừng hơn, là chổ cất nhà thờ bây giờ [19][19]. Cha con đồng vui cộng cực, cùng nhau xây dựng, chung sức phá rừng, dỡ ruộng vì nơi đây toàn là rừng rú và thú dữ. Một trong những người cộng tác đắc lực của Cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn là ông Tôma Võ Văn Cam.
Từ khi hình thành, Họ Lagi (Tân Lý) thuộc về Địa Phận Quy Nhơn, do các Linh Mục của Địa Phận chăm sóc mục vụ. Mãi đến năm 1909, Họ Lagi vẫn chỉ là một Họ lẻ của Giáo xứ Cùmi, thường xuyên thiếu vắng Linh Mục [20][20].
4/Giai Đoạn Phát Triển
a/Thuộc Địa Phận Sàigòn.

Bình Thuận, Đà Lạt nhượng Sàigòn

Lagi họ đạo rời Quy Nhơn.
Năm 1905, Đức Cha Damien GRANGEON (Hân) của Địa Phận Quy Nhơn nhượng cho Địa Phận Sài Gòn hai tỉnh : Bình Thuận và cao nguyên Đà Lạt [21][21]. Từ nay, Họ Lagi không còn thuộc Địa Phận Quy Nhơn nữa mà thuộc về Địa Phận Sài Gòn, các Cha thừa sai người Pháp (MEP) đã kiến thiết đầy đủ các cơ sở cần thiết, trở thành Họ Cùmi-Lagi, nơi nghỉ mát và săn bắn cho những ai có tính mạo hiểm xuống biển lên rừng.
Trong thời gian ở Họ, Cha Bảy Ẩn đã cho phá rừng, tạo mặt bằng thành ruộng, đó là các phần : Ruộng Đụt (Tân Long), Ruộng Cóc (khoảng 20 mẫu) từ giếng Đụt tới Hồ về khu nhà thờ hiện nay. Cha coi sóc Họ được vài năm rồi đổi đi. Bổn đạo thương mến nên hằng nhắc đến Cha luôn (1897).
Cha Thiên là cháu Cha Bảy Ẩn coi Họ khoảng 1 năm, kế đến Cha Boivin đổi lại coi Họ trong hai năm. Chừng giao lại cho Địa Phận Nam Kỳ (Sàigòn) thì, Cha Sao ở tại Cùmi cùng kiêm luôn Họ Lagi và Cùmi cửa (Bình Giã). Cha Sao muốn cho bổn đạo Họ Lagi lo nghiệp ruộng nương lại, song làm thử hai lần mà không khá cho nên bỏ qua [22][22].
Năm 1903, Linh Mục P.Guegnand (thường gọi Cha Lộc già) tiếp quản xứ, Ngài cử ông câu (thủ bổn) là : Ông Phêrô Nguyễn Văn Hiến trông nom nhà thờ và khai phá thêm ruộng đất. Thời gian này, Ngài đã cho dỡ thêm ruộng như : rọc Bưng Ngang; rọc Đất Thánh hay Bưng Ông; ruộng Bàu Dừng + Bàu Sen.
Bổn đạo hầu hết đều tốt, phần nhiều đã học lẽ đạo khá, Cha Lộc cũng lập trường dạy đồng nhi trong Họ. Số giáo dân lúc này khoảng 200 người [23][23]. Nhà thờ nhỏ và chật hẹp, không được tốt, nên Cha Lộc cũng lo làm nhà thờ mới cho rộng rãi và tốt hơn, song kế đó Cha phải đổi đi.
Năm 1912, Linh Mục David thế Cha P.Guegnand. Ngài chỉ trông coi Họ trong một thời gian ngắn. Năm 1913, Linh Mục Triễn thế Cha David. Ngài cũng chỉ chăm sóc mục vụ trong thời gian ngắn. Năm 1913, Linh Mục Henri Barré ( Cố Lê ) đến và ở trong vòng 2 năm.
Thời gian này, cộng đoàn Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đến hiện diện tại Họ Lagi. Hai Dì tiên khởi là : Dì Út và Dì bảy Kỷ, công việc của các Dì là dạy Giáo lý và dạy vở lòng cho trẻ em.
Năm 1915, Linh Mục Phêrô Tuyên đến và quản xứ được một năm. Năm 1915, Linh Mục Giuse Trần Hiếu Lễ về quản xứ. Ngài cho lập Ban Chức Việc (Hội Đồng Mục Vụ) để cộng tác với Ngài trong việc xây dựng nhà thờ. Thành phần Ban Chức Việc gồm:

1.     Ông Tôma Ông Võ Văn Cam                  (Câu Nhất)

2.     Ông Phêrô Nguyễn Văn Hiến                 (Câu Nhì)

3.     Ông Võ Phú                                          (Biện Việc)

4.     Ông Nguyễn Sửu                                  (Biện Việc)

5.     Ông Inhaxiô Võ Văn Giác                       (Biện Sở)

6.     Ông Phêrô Nguyễn Hiếu Nghĩa               (Biện Sở)

7.     Ông Thành                                           (Biện Sở)

8.     Ông Huỳnh Văn Tòng                            (Biện Sở)

9.     Ông Trần Văn Quảng (Quýnh)               (Biện Sở)

Năm 1916, Ngài khởi công xây dựng nhà thờ mới trên phần đất hiện nay, quay mặt về hướng Đông. Ngày 12 – 12 – 1918, Đức Giám Mục Victor Charles QUINTON (TÔN) đã long trọng làm phép nhà thờ mới này và nhận thánh Giuse làm quan thầy của Họ đạo, lễ mừng kính vào ngày 19 – 3 hằng năm.
Cha Giuse Lễ cũng khẩn thêm ruộng đất cho Họ đạo như sau : rạch Hộ Tang (từ nhà ông Mười Chót đến đất anh Phạm Ngọc Thọ, gọi là đất vườn Dừa, khoảng 10 mẫu): vườn trái cây (nay là vườn dừa Út Nề). Khi đi, Ngài giao lại cho Họ đạo.
Năm 1929, Linh Mục Micae Nguyễn Văn Giàu đến thay thế Cha Giuse Trần Hiếu Lễ. Ngài tiến hành chỉnh tu cho Họ đạo thêm khang trang như :  tân trang lại mái nhà thờ, xây trường học và kho lúa… Năm 1930, mua chuông (mỗi gia đình đóng 1 đồng tiền Đông Dương) trị giá 300đ.
Về ruộng đất, Ngài khẩn thêm : ruộng Láng Đá, từ bầu Xe Ủi tới dốc Bà Tân khoảng 40 mẫu; ruộng Cây Trâm lớn, nhỏ, trên bầu Xe Ủi lên tới Bà Tân khoảng 40 mẫu; đất thổ, xóm Gioan Baotixita Đá Dựng khoảng 10 mẫu; đất phó Mén, trước mặt xã Bình Tân hiện nay tới đất ông Phạm Ngọc Thọ khoảng 3 mẫu.
Như vậy, đến thời Cha Micae Nguyễn Văn Giàu, ruộng và đất của Họ Lagi khoảng 300 mẩu, nhưng hiện nay, chỉ còn khoảng 2 mẩu.
Họ đạo đang phát triển mạnh, Cha Micae Giàu chuẩn bị xây lại nhà thờ, chưa bắt đầu thì chiến tranh bùng nổ. Than ôi !

Mây sầu phủ kính trời xanh

Tiếng than chuyển rẩy thác ghềnh biển khơi.
Ngày 27 – 8 – 1945, quân đội Pháp đổ bộ vào Sở Dương, Cha Micae Nguyễn Văn Giàu và giáo dân trốn chạy lên rừng ẩn núp. Thời gian ngắn, Cha con đùm túm trở về làng. Quân Pháp nghi ngờ Cha theo Việt Minh và ra lệnh bắt Ngài, đưa về Phan Thiết cùng với 2 Dì Phước : Dì Tám bị trúng đạn chết dọc đường và được mai táng tại Phan Thiết, còn Dì Út chạy về đất đỏ Bà Rịa và cũng bị bắn chết [24][24], nhà thờ bị đánh sập.
Đoàn chiên mất chủ chăn, bơ vơ, lạc lỏng và hoảng sợ đi tản mác : người trốn đến vùng khác, kẻ lẽn vào rừng ẩn nấp, bỏ vườn trống nhà hoang. Trong thời gian này, giáo dân bị bắt và bắn chết rất nhiều. Ban Chức Việc Họ gồm 2 người : ông Trần Văn Quảng (Quýnh) và ông Tám Thạch. Khi thấy giáo dân bỏ chạy lên rừng, quân Pháp giận dữ bắn sập nhà thờ. Tất cả các đồ thờ phượng bị phá, chỉ còn lại cái chuông mà anh chị em đã can đảm mang theo vào rừng, và đó là di tích quí nhất của Giáo xứ Tân Lý hiện nay đang sử dụng.
Giáo xứ tan hoang, Linh Mục bị bắt, giáo dân bị phân sáp (chia vào sống cùng lương dân ở các làng chung quanh), nhưng tinh thần theo Chúa vẫn nồng nhiệt, niềm tin Chúa càng sáng chói. Giáo xứ mồ côi chủ chăn, tuy nhiên vẫn vững vàng tiến lên với Ban Chức Việc, gồm các ông : Phêrô Nguyễn Văn Dần, Giuse Nguyễn Văn Khoẻ, Phêrô Nguyễn Văn Tín, … Các ông cố gắng qui tụ anh chị em giáo dân và kiên trì hướng dẫn đời sống đạo đức trong thời gian kháng chiến.

Thăng trầm thế sự đảo điên
Cuộc đời tan biến đức tin vẫn còn.
Năm 1947, dưới sự hướng dẫn của Ban Chức Việc Họ, anh chị em đã tạm dựng một nhà nguyện bằng lá, toạ lạc tại khu đất Tổng Hân để có nơi chốn thuận lợi cùng nhau nguyện kinh sáng tối. Để giúp đỡ Ban Chức Việc Họ, anh chị em đã đề cử thêm 3 người để cùng cộng tác : ông Phêrô Nguyễn Văn Thích, ông Huỳnh Gia, ông Giuse Đặng Văn Cậy.
Năm 1948, Linh Mục Phêrô Nguyễn Bá Luật vượt qua gian nan nguy hiểm về thăm giáo dân. Ngài an ủi, vỗ về, khuyên bảo, động viên anh chị em giáo dân, tuy sống trong cảnh chiến tranh và áp bức, người tín hữu Chúa Kitô của Họ đạo đã tỏ ra bén rễ sâu trong niềm Tin Cậy Mến. Những ngày lễ lớn như : Noel, Phục Sinh… đã được tổ chức mừng kính cách long trọng và đầy lòng sốt sắng.
Đêm đêm vẫn có anh chị em giáo dân tìm về khu vườn, mảnh ruộng để canh tác, ngày lại trốn lên rừng. Hoàn cảnh giữ đạo cũng rất khó khăn, vì vắng Linh Mục, lại trốn tránh từng khu xa cách nhau, nên việc kinh lễ thật bất tiện. Trước tình hình đó, Ban Quý Chức Họ hội ý với anh chị em giáo dân, quyết định dời nhà thờ về Bàu Sót, nhưng nhà Chúa toạ lạc nơi đây vẫn không ổn, vì nhà thờ đã ba lần xây dựng thì ba lần bị quân Pháp càn quét, đốt phá tan tành. Trong hoàn cảnh đó, giáo dân buộc phải :

Ngày trốn đêm làm chờ tái thiết
Tai qua nạn hết lại hồi cư.
Năm 1953, chiến tranh Pháp – Việt phần nào bớt khốc liệt, giáo dân ngày thì ẩn núp, đêm thì trở về đồng ruộng cấy cày.
Năm 1954, hiệp định Gernève được ký kết, chiến tranh tạm lắng, giáo dân lần lượt trở về lại từng mảnh vườn thửa ruộng của mình để canh tác. Số giáo dân lúc này khoảng 500 hoặc 600 tín hữu.
Tháng 10 – 1954, Linh Mục Alber Troger được cử đến coi sóc Họ đạo Lagi. Đặt chân đến cánh đồng truyền giáo vừa lâu đời, vừa mới mẻ này, Cha Troger bắt tay ngay vào việc tông đồ, với một đàn chiên đang ngơ ngát vì những kinh hoàng của chiến tranh và một cơ sở đổ nát tiêu tan, Cha suy tính làm gì cho Giáo Hội Chúa ! Lễ Giáng Sinh năm đó thật là tưng bừng, cái tưng bừng của kẻ hồi sinh, náo nức, hồ hởi, hưng phấn, cùng với cảm động dâng tràn trong tiếng hát “đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”. Nhà thờ bằng lá, bằng rạ của Bàu Sót sao giống hang đá nghèo hèn và đơn sơ của hang lừa và máng cỏ, nơi cách đó 1954 năm, Đức Giêsu đã giáng sinh làm người.
Ngài bắt tay canh tân Họ đạo, chuẩn bị vật liệu để xây dựng lại nhà Chúa, mời các Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế về làm tuần đại phúc để dạy giáo lý, hợp thức hóa các đôi hôn phối và rửa tội cho các em đã lớn tuổi… Nhờ vậy, giáo dân mới dần dần đi vào nếp sống đạo hẳn hoi, có qui củ, một luồng sinh khí mới bắt đầu thổi vào Họ đạo Lagi.
Cũng trong thời điểm này, Họ Lagi được nâng lên hàng Giáo xứ với tên gọi là  : Giáo Xứ Tân Lý.
Tháng 7 – 1955, Linh Mục Phaolô Phan Tùng Lộc đến thay thế Linh Mục Alber Troger. Với tư cách là Linh Mục chính xứ, Cha Phaolô Lộc đã cho áp dụng ngay biện pháp kỷ cương để rèn luyện và xây dựng Giáo xứ.
Xin ghi thêm rằng, năm 1945, nhà thờ Giáo xứ bị bắn sập, các đồ thờ phượng bị thiêu hủy hoặc thất lạc, đáng kể nhất là chiếc “ Hào Quang ” cũng bị thất lạc. Nhưng thật may mắn, cuối năm 1955, ông Phêrô Nguyễn Văn Thích đi chầu lượt ở Tầm Hừng, nhận biết rõ chiếc hào quang có đặt Thánh Thể mà ông đang chầu đúng là của Giáo xứ Tân Lý bị thất lạc vào thời loạn ly. Do đó, Cha Phaolô Phan Tùng Lộc đã biên thư, sai ông Tám Út ra nhận và đem hào quang ấy về. Hiện nay, Giáo xứ vẫn đang sử dụng.
Để đáp ứng nhu cầu mục vụ, Cha Phaolô Lộc bắt tay vào việc xây dựng nhà Chúa, công trình đang bắt đầu dỡ dang, mới xây xong bốn bức tường thì Ngài được bài sai đổi đi nơi khác.
b/Thuộc Địa Phận Nha Trang
Ngày 05 – 7 – 1957, Đức Thánh Cha Piô 12 ký tông sắc thành lập Giáo Phận Nha Trang gồm 4 tỉnh : hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận trước đây thuộc Địa Phận Quy Nhơn; hai tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy trước đây thuộc Địa Phận Sàigòn. Giáo Hội cử Đức Giám Mục Marcel PIQUET (Lợi) làm Giám Mục tiên khởi Giáo Phận mới này.
Tháng 11 – 1957, Linh Mục Joseph Viot (Nhơn) vâng lệnh bề trên về nhận chức chính xứ Tân Lý, Ngài tiếp tục xây cất Thánh Đường và hoàn tất vào năm 1958. Cuối năm 1958, Ngài cũng xây xong nhà xứ. Vào thời điểm này, số giáo dân khoảng chừng 400 người.
Ngài nhận một số anh chị em di cư nhập xứ, cấp đất cho họ khai phá làm ăn, thành xóm Thanh Hương (nay là Giáo họ Phanxicô Xaviê), góp phần làm phồn thịnh vui vẻ cho Giáo xứ. Ngài cũng tiếp nhận 70 giáo dân nhập xứ, nay là xóm Micae, cho họ vỡ ruộng từ nhà ông Mười Cồ đến nhà ông Mân.
Vừa mới cử hành thánh lễ tạ ơn hai cơ sở lớn và chính yếu của Giáo xứ, Cha đã vội vàng rời xứ theo ý của Đấng Bản Quyền.
Đầu năm 1960, Toà Giám Mục Nha Trang cử Linh Mục Guérard Moussay (Phú) quản xứ Tân Lý. Đặt chân đến cánh đồng truyền giáo mới, Ngài chú tâm đem Tin Mừng đến cho dân ngoại, nên có thêm nhiều người gia nhập đạo, đồng thời Ngài cũng cảnh tĩnh những tín hữu còn thờ ơ, nguội lạnh với việc đạo đức chung của Giáo xứ. Song song với việc tinh thần, Ngài còn xây trường học, nhà Dì Phước và cho tu bổ lại các cửa của nhà thờ. Trong thời gian này, nhà cầm quyền thiết lập các ấp chiến lược, chính vì thế, các gia đình phải bỏ các khu vườn của họ ven rừng, tập trung thành từng xóm, sống gần nhau để dễ quản lý và bảo vệ nhau. Năm 1961, Ngài cũng lo việc truyền giáo ở dinh điền Hiệp Nghĩa, nên có thêm các Linh Mục phụ tá như : Linh Mục Jean Hirigoyen (Hương) từ tháng 5 – 1961 đến tháng 01 – 1962; Linh Mục Charles Nédelec (Đề) từ tháng 01 – 1962 đến tháng 6 – 1962.
Tháng 6 – 1962, Linh Mục Rôcô Vũ Đình Hoạt được cử đến làm chính xứ Tân Lý. Cha Rôcô coi sóc Tân Lý chỉ vỏn vẹn được 8 tháng mà Ngài đã đôn đốc dựng một tháp chuông bằng gỗ cao 6 mét để treo cái chuông lớn – một trong hai di tích còn lại của Giáo xứ Tân Lý [25][25]. Cha hướng dẫn giáo dân cách thức trồng Laghim – trồng rau – một nghề đã và đang phát triển mạnh, lợi nhuận nhiều cho giáo dân Tân Lý nói riêng và cho các vùng lân cận nói chung.
Tháng 02 – 1963, Linh Mục Roger Delsuc (Sáng) thay thế Linh Mục Rôcô Vũ Đình Hoạt, quản xứ Tân Lý. Ngài coi xứ được sáu tháng thì đổi đi.
Tháng 9 – 1965, Linh Mục Phêrô Lê Quang Diễn được cử làm chính xứ Tân Lý. Là một Linh Mục trẻ trung, nhiệt huyết, hoạt bát, việc đầu tiên Ngài làm là củng cố lại Ban Hành Giáo để có người cộng tác trong việc điều hành Giáo xứ. Ngài cho lập hội Lêgiô Mariae; sắp xếp lại các giấy tờ, văn thư có liên quan đến ruộng đất nhà chung; xây nhà bếp, các chuồng trại để chăn nuôi heo gà, lập vườn và rào dậu chung quanh khuôn viên Nhà Thờ, nhà Xứ; mua máy phát điện để thêm thuận lợi trong các công tác và sinh hoạt của Giáo xứ; can thiệp với chính quyền để mở mang đường sá cho dân - như đường ra nghĩa trang Tân Lý – làm hệ thống kênh mương; mạnh mẽ áp dụng kỷ luật làm cho Giáo Xứ có trật tự và kỷ cương hơn; xây tượng đài Đức Mẹ với lối kiến trúc mới, xây hội trường… làm cho Giáo xứ có bộ mặt khang trang. Đặc biệt, Ngài có công trong việc tổ chức Đại Hội Thánh Thể cho toàn hạt Bình Tuy tại Tân Lý.
Hơn 38 năm phục vụ Dân Chúa tại Giáo Hội Việt Nam, 9 năm cai quản Giáo Phận Nha Trang, ngày 04 – 7 – 1966, Đức Giám Mục Marcel PIQUET (LỢI) đã qua đời. Sau gần một năm trống Tòa, ngày 04 – 6 – 1967, Tòa Thánh đặt Đức Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận – Giám Mục người Việt Nam tiên khởi Giáo Phận Nha Trang - làm Giám Mục chính Tòa Giáo Phận Nha Trang :

Tam bách chu niên tiên Giám Mục
Thiên lao vạn khổ đáo Nha Trang
Tháng 9 – 1967, Linh Mục Phêrô Thái Quang Nhàn nhận chính xứ Tân Lý, Linh Mục Phêrô Lê Quang Diễn được cử về làm Cha giáo tại trường Chính Tâm Phan Thiết – trường PTTH Chuyên Trần Hưng Đạo – Phan Thiết ngày nay.
Thời gian này, kinh tế trong vùng Bình Tuy đã tiến triển khá, giao thông thuận tiện, giáo dân làm ăn phát đạt, đua nhau xây nhà tôn, nhà ngói hầu hết. Theo đà tiến chung, Cha xứ cũng lo xây hồ nước, chỉnh trang lại trong xứ đủ tiện nghi hơn. Ủy ban ruộng đất được thành lập để lo việc kiến thiết và chăm sóc ruộng đất. Năm 1969, Ngài xây nhà nguyện Họ Đá Dựng. Năm 1970, Ngài thành lập họ tân tòng Tân Long và xây nhà nguyện. Ngài ban Bí Tích Rửa Tội cho nhiều người mới nhập đạo. Xứ đạo sinh hoạt điều hòa theo kịp đà tiến của các Giáo xứ trong Hạt. Qua các lớp tập huấn, giáo dân tích cực tham gia vào các công việc của Giáo xứ. Mùa hè 1971, nhờ sự đóng góp tích cực của giáo dân, Giáo xứ đã hoàn thành ngôi trường sơ cấp rộng lớn và khang trang.
Công cuộc chỉnh trang trong Giáo xứ tạm ổn, Ngài cho lập các hội đoàn như : Con Đức Mẹ, Hùng Tâm Dũng Chí, Gia Trưởng, Hiền Mẫu… Để tiện việc quản lý, Ngài tiến hành chia Giáo xứ thành 8 Giáo Xóm : Giuse, Tôma, Phêrô, Antôn, Phaolô, Micae, Gioan Baotixita và Phanxicô Xaviê.
Tháng 7 – 1972, Linh Mục Giuse Hoàng Phượng được cử làm chính xứ Tân Lý, thay thế Linh Mục Phêrô Thái Quang Nhàn. Ngài xây nhà để xe tang, mua máy âm thanh trong nhà thờ.
Ngoài những công tác thuần túy tôn giáo thường nhật, Cha Giuse Hoàng Phượng còn quan tâm, lo lắng đến vấn đề ruộng đất nhà chung mà Giáo xứ đang quản lý và sử dụng. Ngài tiến hành gởi văn thư đến các cơ quan chức năng để xin hợp pháp hóa và khai chủ quyền ruộng đất, vì có một số giấy tờ, lai lịch nguồn gốc đất đã bị thất lạc từ lâu.
Cũng trong thời điểm này, Ngài trù tính bán đứt một số lớn ruộng đất nhà chung cho các tín hữu tá điền canh tác - thực thi luật 03/70 “ người cầy có ruộng ” của chính quyền lúc bấy giờ - để có ngân khoản kiến thiết và trùng tu các cơ sở của Giáo xứ. Tuy nhiên, không biết vì nhân tố hay nguyên do nào làm cản trở, Ngài không thể thực hiện được phương kế đã hoạch định.
Vì tuổi già sức yếu, Đấng Bản Quyền đã cho phép Ngài hưu dưỡng tại nhà riêng ở Giáo xứ Tân Lập (Tân Thiện).
Ngày 04 – 8 – 1974, Linh mục Phanxicô Assisi Nguyễn Cao Cầu được cử đến làm chính xứ Tân Lý. Nhận nhiệm sở xong, Ngài liền áp dụng “Quy chế giáo dân”  làm nền tảng hoạt động cho Giáo xứ. Ngài khẩn trương mở các lớp tập huấn giáo dân về vai trò và trách vụ của người tín hữu, theo định hướng của Công Đồng Vaticanô II “ Người giáo dân phải đóng vai trò hàng đầu trong việc tông đồ”. Trên tinh thần đó, Ngài luôn luôn lưu ý vai trò và trách nhiệm của người giáo dân trong giai đoạn mới. Ngài nhắc nhỡ rằng : Giáo xứ là của giáo dân, các tín hữu phải quản trị Giáo xứ mình thông qua các thành viên của Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ mình. Do đó, Hội Đồng Mục Vụ, các Ủy viên Giáo họ... phải tích cực dấn thân vào mọi công việc chung của Giáo xứ”.
Vì là một Linh Mục trẻ trung, hoạt bát, đặc biệt là rất chú tâm đến giới trẻ, Ngài đã khuyến khích, động viên các tổ chức giáo dục và thăng tiến con người trong hai lãnh vực Đạo và Đời. Vì vậy, trong thời điểm này, các hội đoàn như : Con Đức Mẹ, Hùng Tâm Dũng Chí, Lêgiô… đua nhau hoạt động tông đồ và phát triển rất mạnh.
Song song với những sinh hoạt về tinh thần, Ngài cũng lo lắng đến các cơ sở vật chất như : dựng lại tháp chuông, trùng tu trường học, xây cất và thành lập viện cô nhi, dự tính xây dựng lại thánh đường…
Mọi phương án đang được trù liệu và sắp xếp, thì ngày 07 – 04 – 1976, chính quyền đương thời đưa Ngài đi khỏi Xứ Tân Lý để “học tập cải tạo”. Từ đó, Giáo xứ không có Linh Mục nào khác thay thế. Đến ngày 18 – 12 – 1982, sau hơn 06 năm “học tập tốt”, Cha Phanxicô Assisi Cầu được trả tự do về chung sống với mẹ già tại Giáo xứ Tầm Hưng, quê hương Ngài, và không được phép đi coi xứ nào khác nữa cho đến ngày tạ thế 02 – 6 – 1991, lúc 2g sáng.
 Nhìn chung, từ năm 1955 đến năm 1975, là thời gian tương đối ổn định, do sinh kế làm ăn, người từ các phương xa đến Giáo xứ Tân Lý lập nghiệp, một số tân tòng và con em trong Giáo xứ lớn lên, lập gia đình riêng, nên số giáo dân tăng lên khoảng 1.400 người.
c/Thuộc Địa Phận Phan Thiết
Ngày 30 – 01 – 1975, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ký Tông Sắc thành lập Giáo Phận Phan Thiết, gồm 2 tỉnh : Bình Tuy và Bình Thuận thuộc Giáo Phận Nha Trang, và đặt Đức Giám Mục Nicôlas Huỳnh Văn Nghi làm Giám Mục tiên khởi Giáo Phận Phan Thiết.
Từ ngày Cha Phanxicô Assisi Cầu ra đi, Xứ Tân Lý không có Linh Mục thay thế. Do đó, Thầy Phêrô Nguyễn Xuân Anh, trên cương vị là Thầy Giảng phụ trách Xứ, phải đến các Xứ lân cận để xin các Linh Mục đến dâng thánh lễ cho giáo dân Tân Lý. Trong số các Linh Mục đến dâng thánh lễ cho Giáo xứ, phải kể đến các Cha già như : Cha Giuse Hoàng Phượng, Cha Augustinô  Vũ Quang Huân …mặc dù đã hưu dưỡng, nhưng mỗi lần Giáo xứ Tân Lý đến nhờ dâng lễ, các Ngài luôn sẵn sàng, không ngại tuổi cao, bệnh tật, nắng mưa. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, chính quyền còn gây khó khăn cho các Linh Mục, nên thánh lễ ngày Chúa Nhật tuần có tuần không, giáo dân phải đến các Xứ lân cận tham dự thánh lễ.
Ngày 02 – 6 – 1977, Thầy Giảng Phêrô Xuân Anh cũng bị gọi đi học tập. Sau 46 tháng học tập tốt, Thầy được trả về xứ Tân Lý. Việc đầu tiên, Thầy đích thân mở cửa thánh đường Giáo xứ để giáo dân lui tới đọc kinh cầu nguyện sáng tối. Đau lòng thay ! lúc này có một số giáo dân đã trở nên thờ ơ, nguội lạnh với các sinh hoạt đạo đức vì đã bỏ kinh lễ lâu năm. Bên cạnh đó, nhiều đôi hôn phối lấy nhau không hợp luật Giáo Hội.
Trước tình cảnh đó, Thầy Giảng luôn cố gắng tạo mọi cơ hội và điều kiện thuận lợi như mời các Linh Mục về cử hành lễ Cưới, lễ Giỗ, lễ An Tang…để giáo dân tham dự. Đồng thời hướng dẫn và dạy giáo lý cho trẻ em trong xứ. Kết quả, ngày 15 – 08 – 1981, vào dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 53 em được xưng tội rước lễ lần đầu do Linh Mục Giacôbê Lê Đức Trung chính xứ Bình An cử hành, mặc dù việc dạy giáo lý lúc này là rất khó khăn trở ngại. Ngày 15 – 8 – 1982, có thêm 26 em được xưng tội rước lễ lần đầu. Đầu năm 1983 và các năm kế tiếp sau đó, Thầy Phêrô Xuân Anh đã đào tạo được một số giáo lý viên để giúp Thầy trong việc dạy giáo lý cho trẻ em, và mục đích xa hơn là có thêm nhân sự nồng cốt, ưu tú để cộng tác với Giáo xứ trong việc giáo dục đức tin cho con em trong Xứ.
Vào khoảng tháng 3 – 1983, vâng lời Bề Trên, Linh Mục Giacôbê Lê Đức Trung chính xứ Bình An đã kiêm nhiệm luôn Giáo xứ Tân Lý. Vào mỗi ngày chúa nhật và các ngày lễ trọng trong năm, Ngài đều đến Tân Lý để cử hành thánh lễ và ban các Bí Tích cần thiết cho giáo dân. Ngoài ra, các ngày thường Cha cũng đến để cử hành các lễ theo nhu cầu. Những lúc khỏe mạnh, Ngài thường xuyên về Tân Lý để xem xét, đôn đốc các sinh hoạt và hoạt động của Thầy Anh và Hội Đồng Mục Vụ. Đồng thời, Ngài thường xuyên đi thăm viếng, an ủi và xức dầu cho các bệnh nhân trong Xứ.
Nhà thờ, nhà xứ dần xuống cấp, nhà trường vẫn bị nhà nước trưng dụng nên các em phải học giáo lý trong nhà thờ. Tháng 12 – 1980, giáo dân dựng đài thánh Giuse trước cửa nhà thờ, Cha Giacôbê Lê Đức Trung bị nhà nước khiển trách và không cho Ngài đi tỉnh huấn Linh Mục tại Giáo Phận. Thời gian khó khăn, hạn chế kéo dài cho mãi tới năm 1988 trở đi mới được nới rộng.
Ngày 20 – 12 – 1985, toàn thể Giáo xứ mừng kỷ niệm 100 năm thành lập. Qua một thế kỷ hình thành và phát triển, Giáo xứ Tân Lý có 422 gia đình công giáo, 2188 nhân danh.
Ngày 9 – 9 – 1990, Cha Giuse Nguyễn Việt Huy được Đức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết, bổ nhiệm làm chánh xứ Tân Lý. Thánh đường cũ được trùng tu từ năm 1955 đã xuống cấp, nhỏ và chật hẹp, nhà trường thì nhà nước vẫn đang quản lý, các cơ sở khác không có, công trình xây dựng thánh đường mới quá lớn, chưa thể thực hiện ngay được, cũng là gánh nặng cho Cha tân quản xứ.
Với sự trẻ trung và lòng nhiệt thành của Cha quản xứ, Giáo xứ tuần tự xây dựng, kiến thiết và phát triển rất nhiều mặt :
Năm 1996, xây nhà ở cho các Nữ tu, 2 phòng học mẫu giáo và giáo lý.
Năm 1997, xây thêm 4 phòng học giáo lý.
Sau thời gian dài chuẩn bị, ngày 24 – 04 – 1997, Đức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi cử hành thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường mới.
Ngày 16 – 6 – 1997, toàn thể Giáo xứ khởi công đào móng.
Ngày 30 – 12 – 1999, Đức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi cắt băng khánh thành và cử hành thánh lễ cung hiến nhà thờ và bàn thờ.
Ngày 09 – 9 – 2000, khánh thành nhà xứ.
Ngày 30 – 12 – 2000, hoàn chỉnh khu vực phía sau nhà xứ.
Ngày 26 – 5 – 2002, Đức Giám Mục Phó Phaolô Nguyễn Thanh Hoan chủ sự nghi thức khánh thành Đài Đức Mẹ.
Các công trình kiến thiết tương đối đầy đủ, khuôn viên nhà thờ rộng rãi, khang trang, lối đi xung quanh rợp bóng cây mát mẽ, tạo khung cảnh nên thơ của đồng quê Tân Lý.
Để việc tông đồ giáo dân phát triển đồng đều và đạt hiệu quả tốt, các hội đoàn dần dần được hình thành trở lại : Bà Mẹ Công Giáo; Lêgiô Mariae; Gia Trưởng; Thanh Niên; Thiếu Nhi Thánh Thể; Têrêsa; Ca Đoàn…
Hội Đồng Mục Vụ được hoàn chỉnh, gồm những thành phần trẻ trung, hăng hái và đạo đức, là cánh tay phải của Cha xứ, nên việc điều hành rất thuận lợi và hữu hiệu.
Về đời sống đạo đức và truyền giáo : cộng đoàn luôn được Cha quản xứ nhắc nhở, rèn luyện đức tin, tinh thần đoàn kết yêu thương và hiệp nhất, nên bầu khí Giáo xứ bình an, vui tươi và thắm tình huynh đệ. Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ, các giới, các đoàn thể, ban nghành… luôn tích cực, hăng say, nhiệt thành tham gia mọi công tác, sinh hoạt mục vụ tông đồ. Mỗi người đều cố gắng thể hiện tinh thần cởi mở, hiền hòa, hiếu khách, hòa đồng, không phân biệt lương hay giáo, đạo hay đời, nhờ đó mà anh em lương dân ngày càng có thiện cảm với cộng đoàn Giáo xứ hơn.
Ngoài việc giáo dục đức tin, Cha xứ còn khuyến khích các em  trong Giáo xứ dâng mình cho Chúa, nên các em dự tu thường xuyên được huấn luyện đều đặn vào mỗi tối Chúa Nhật.
Số giáo dân trong giáo xứ (2005) khoảng 5195 người, 1334 gia đình công giáo, chia làm 9 Giáo họ. Số thành viên trong các đoàn thể như sau : Gia Trưởng : 1053 người; Bà mẹ : 748 người; Thanh niên : 676 bạn; Thiếu Nhi : 1082 em; Giáo Lý Viên : 22 người; Huynh Trưởng : 98 người; Ca Đoàn : 63 ca viên; Lễ Sinh : 20 người…
Sau 14 năm phục vụ Giáo xứ, ngày 14 – 5 – 2004, Cha Giuse Nguyễn Việt Huy được thuyên chuyển đến Giáo xứ Tân Châu, hạt Hàm Tân, Cha Phêrô Nguyễn Huy Hồng đến quản nhiệm Giáo xứ Tân Lý. Ngài tiếp tục củng cố các hội đoàn, hoàn thiện thêm cho Giáo xứ cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần.  Tháng  3 – 2005, Cha cho xây tường rào bao bọc đất thánh, tường dài khoảng 1.500m bao bọc khu đất thánh và khu đất trồng cây của nhà thờ rộng trên 5ha, đồng thời xây trên 300 ngôi mộ không có người chăm sóc, một sân lễ tại đất thánh. Năm 2006, xây nhà Cha phó. Tháng 9 – 2008, đổ bê tông các sân xung quanh nhà thờ.
Ngày 22 tháng 04 – 2009, Cha Giuse Nguyễn Kim Anh nhận chính xứ Tân Lý. Ngài đang cố gắng huấn luyện giáo dân và tiến đến việc truyền giáo cho anh em lương dân trong vùng .
5/Chung Lời Tạ Ơn
Nhắc lại 125 năm hình thành và phát triển Giáo xứ, chúng ta không khỏi cảm động, biết ơn, hãnh diện và tin tưởng :
Cảm động vì trên khắp vùng lãnh thổ ta sống hôm nay, đâu đâu cũng ghi dấu bước chân của các vị thừa sai, các Linh Mục bản xứ… đem Tin Mừng đến cho chúng ta, giữa bao hiểm nguy. Cảm động khi thấy cảnh núi rừng rậm rạp ghi dấu những ngày cha ông chúng ta lẫn trốn.
Biết ơn vì Mẹ Giáo Hội đã sai các nhà truyền giáo đến mảnh đất Tam Tân xa lạ để loan Tin Mừng. Chúng ta biết ơn các vị tông đồ truyền giáo thuộc nhiều dòng Tu như : dòng Tên, dòng Đaminh, dòng Phanxicô, dòng Augustinô…đặc biệt là Hội Thừa Sai Pháp (MEP). Chúng ta ghi ơn các vị tiền nhân đã hi sinh để bảo vệ và gìn giữ đức tin trên mảnh đất Tân Lý này.
Hãnh diện và đáng hãnh diện thật ! có phải hãnh diện vì có thánh đường khang trang, cơ sở đồ sộ ? có phải hãnh diện vì giáo dân đông đúc ? Không, sức mạnh của Hội Thánh không căn cứ vào vật chất, cũng không căn cứ vào số lượng, nhưng chúng ta hãnh diện vì Thánh Giá Đức Kitô, vì lòng trung thành của cha ông ta ngày trước với Hội Thánh, vì nếp sống đạo sốt sắng, vì đức tin vững vàng không lây động trước cái chết, vì chí can đảm sống đạo và truyền đạo cho mọi người, vì đã trưởng thành nhận lấy vai trò chiến sĩ của mình hợp tác và thay thế khi không có Linh Mục.
Tin tưởng không phải ở sức mạnh, tài năng của chúng ta mà ở Ơn Chúa hằng ở cùng Hội Thánh. Trãi qua bao thử thách, những tưởng Giáo xứ sẽ bị tiêu diệt vĩnh viễn, nhưng “ơn Chúa hằng đủ cho ta”, chúng ta có các Linh Mục thánh thiện, sốt sắng, hi sinh; có các giáo dân đoàn kết, lãnh lấy trách nhiệm sống đạo, dạy đạo, quản trị, truyền đạo thay cho các Linh Mục. Tất cả Họ đều tin tưởng vào ơn Chúa, ở sức Chúa, ở Lời Chúa. Giờ đây, trong thời đại duy vật, lắm lúc chúng ta tìm sự dễ dãi của thế gian mà quên đi những giá trị của Nước Trời. Dù khó khăn đến đâu, chúng ta cũng phải cố gắng bảo vệ hạt mầm Tin Mừng mà cha ông chúng ta đã tiếp nhận trên mảnh đất Tân Lý thân yêu này.

Hãy nhìn quá khứ với tất cả lòng khâm phục tạ ơn.

Hãy nhìn hiện tại với tất cả ý chí tìm kiếm không ngừng.

Hãy nhìn tương lai với tâm hồn hăng say tin tưởng.
Không phân biệt Bắc - Trung - Nam, đạo dòng hay tân tòng, mỗi người giáo dân Tân Lý phải một lòng tôn thờ Thiên Chúa, kính mến Đức Mẹ và noi gương thánh Giuse quan thầy; từng ngày cố gắng đi lên trong đức tin, nâng đỡ, tìm hiểu và giúp nhau thăng tiến trong đường đạo đức và thánh thiện.
Tài Liệu Tham Khảo

 1.     Nam Kỳ Địa Phận, năm thứ 14, 1922, Sàigòn.

2.     Đạo Thiên Chúa Giáo Vào Việt Nam, Nguyễn Văn Kiệm, nxb Tôn Giáo, 2001.

3.     Kỷ Yếu Địa Phận Nha Trang, Sàigòn, 1971.

4.     Giám Mục Người Nước Ngoài, Lê Ngọc Bích, nxb Tôn Giáo, 2009.

5.     25 Năm Thành Lập Giáo Phận Phan Thiết.

6.     Bản dịch chữ Hán, lưu tại văn phòng Giáo xứ Tân Lý.

7.     Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn Bình Thuận, Nguyễn Đình Đầu, Tp.hcm, 1996.

8.     Thuận Nghĩa, Quê Hương Thánh Vũ Đăng Khoa, Lê Quang Hưng, 2005.

9.     Các Họ Đạo Cổ Xưa Của Giáo Phận Phan Thiết, Lm. Phêrô Hoàng Vĩnh Linh.

10. Các Vị Tử Đạo Giáo Phận Phan Thiết-Bình Thuận, Lm. Phêrô Hoàng Vĩnh Linh.

11.    Niên Giám Giáo Hội Công Giáo Việt Nam 2005.
12. Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, Lm. Bùi Đức Sinh, tái bản 1999.
13. Lược Sử Giáo Hội Việt Nam, Lm. Aug Nguyễn Văn Trinh, xb 1990.
14. Chuyên mục “ Lagi, Vùng Đất Tụ Nghĩa” phát sóng ngày 28 – 8 – 2009.
15. Bản Kỷ Yếu viết tay của Cha Phêrô Nguyễn Xuân Anh.
16. Bản Kỷ Yếu viết tay của ông Giuse Hồ Xuân Hiên
17. Bản Kỷ Yếu viết tay của Giáo xứ Tân Lý.



[1][1]  Số liệu thống kê năm 2009, chuyên mục “ Lagi, Vùng Đất Tụ Nghĩa” phát sóng ngày 28 – 8 – 2009.
[2][2]  Số liệu thống kê năm 2005, lưu tại văn phòng Giáo xứ Tân Lý và Tòa Giám Mục Phan Thiết.
[3][3]  x. Kỷ Yếu Địa Phận Nha Trang, Sàigòn, 1971, trg 86.
[4][4]  x. Sự Du Nhập Của Đạo Thiên Chúa Giáo Vào Việt Nam, Nguyễn Văn Kiệm, Tôn Giáo, 2001, trg 80.
[5][5]  x. Sự Du Nhập Của Đạo Thiên Chúa Giáo Vào Việt Nam, Nguyễn Văn Kiệm, Tôn Giáo, 2001, trg 84.
[6][6]  x.  Nam Kỳ Địa Phận, năm thứ 14, 1922, Sàigòn, trg 139.
[7][7]  x.  Nam Kỳ Địa Phận, năm thứ 14, 1922, Sàigòn, trg 250.
[8][8]  x. Kỷ Yếu Địa Phận Nha Trang, Sàigòn, 1971, trg 125.
[9][9]  Một trong hai gia đình ấy là gia đình ông Tôma Võ Văn Cam, bố ông Phêrô Võ Thái Sang ( Phó Bộ )
[10][10]  Một trong hai gia đình ấy là gia đình bà Matta Lê Thị Lai, mẹ vợ của ông Lý Niệm
[11][11]  Một trong năm gia đình ấy là gia đình ông Lý Niệm, bố của ông Phêrô Nguyễn Hiếu Nghĩa (Tổng Nghĩa) đã hiến đất xây nhà thờ hiện nay.
[12][12]  Một trong năm gia đình ấy là gia đình ông Phêrô Nguyễn Văn Hiến, bố nuôi của ông Tổng Nghĩa.
[13][13]  Nay là Giáo họ Cửa Cạn thuộc Giáo xứ Hiệp Nghĩa, hạt Hàm Thuận Nam, Giáo Phận Phan Thiết.
[14][14]  x. Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn Bình Thuận, Nguyễn Đình Đầu, Tp.hcm, 1996, trg 59.
[15][15]  x. Nam Kỳ Địa Phận, năm thứ 14, 1922, Sàigòn, trg 522.
[16][16]  Bản dịch chữ Hán, lưu tại văn phòng Giáo xứ Tân Lý.
[17][17]  Vua Thành Thái  lên ngôi ngày 28 tháng 01 năm 1988, Thành Thái ngũ niên tức là năm 1893.
[18][18]  x. 25 Năm Thành Lập Giáo Phận Phan Thiết, trg 95.
[19][19]  Phần đất này do gia đình ông Phêrô Nguyễn Hiếu Nghĩa (Tổng Nghĩa) dâng cúng.
[20][20]  x. Nam Kỳ Địa Phận, năm thứ 14, 1922, Sàigòn, trg 524.
[21][21]  x. Giám Mục Người Nước Ngoài, Lê Ngọc Bích, Tôn Giáo, 2009, trg 106.
[22][22]  x. Nam Kỳ Địa Phận, năm thứ 14, 1922, Sàigòn, trg 523.
[23][23]  Sđd  trg 524.
[24][24]  x. Kỷ Yếu Địa Phận Nha Trang, Sàigòn, 1971, trg 126.
[25][25]  Cái chuông và Hào Quang chầu thánh thể hiện nay vẫn càn sử dụng.

Địa chỉ liên hệ:P. BÌNH TÂN - THỊ XÃ LAGI - BÌNH THUẬN
Điện thoại:0623.843160
Năm thành lập:(1885)
Số giáo dân hiện nay:(4124)
Bổn mạng và ngày lễ:THÁNH GIUSE (19-03)(ngaylemung)

***************
HÌNH ẢNH CÁC LINH MỤC QUẢN XỨ QUA CÁC THỜI:


LINH MỤC ĐƯƠNG NHIỆM:
- LM. CHÁNH XỨ: CHA GIUSE NGUỄN KIM ANH - ĐT: 091 836 9945


-  LM PHỤ TÁ: CHA HUỲNH THIÊN VŨ  -  ĐT: 016 369 30943

 CƠ CẤU TỔ CHỨC

BAN THƯỜNG VỤ  KHÓA 2014-2018

Hình lưu niệm HĐMV với LM. Chánh xứ nhân dịp lễ 2 Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô 29/ 6/ 2015









**********

Ban Điều Hành Giáo Họ PHÊRÔ


********

Ban Điều Hành Giáo Họ ANTÔN

(CÒN TIẾP)

TITOCO GIÁO XỨ

Giáo xứ Tân Lý khai Mạc Năm Thánh kỉ niệm 125 năm thành lập
Sáng ngày 20.3.2010, Giáo xứ Tân Lý, hạt Hàm tân, Gp Phan Thiết hân hoan đón mừng Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Quý Cha, nam nữ tu sĩ và quan khách đến chia vui và hiệp dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trong thánh lễ Khai Mạc Năm Thánh nhân dịp giáo xứ kỉ niệm 125 năm thành lập (1885-2010).
Đôi nét lịch sử thành lập
Nhìn ngắm ngôi thánh đường khang trang rực rỡ cờ hoa mừng 125 năm thành lập của Giáo xứ Tân Lý hôm nay, chợt nhớ về những ngày đầu hình thành giáo xứ với biết bao công lao khó nhọc của cha ông ngày trước. Câu chuyện khởi đầu từ cách đây hơn 300 năm (khoảng năm 1685) đã có 300 giáo dân hiện diện tại Hàm Tân, nhưng gần sau 200 năm không còn tài liệu nào nói đến số tín hữu này.
Lich sử giáo xứ chính thức biết đến từ năm 1885, khi cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn dẫn một số giáo dân gốc Quảng Nam, Bình Định vào Tam Tân lập nghiệp. Dưới thời Thành Thái, ngày 4.9.1895, năm Ất Tỵ, một thôn mới tên Tân Lý được thiết lập, và nơi đây họ đạo mới có tên là Lagi. Từ năm 1905, họ đạo Lagi thuộc địa phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) với linh mục quản xứ tiên khởi chính là cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn. Nhà thờ đầu tiên được dựng lên tại đất “Giếng Đụt” (nay là chùa Tân Long), Năm 1916, cha Giuse Trần Hiếu Lễ khởi công xây dựng nhà thờ mới trên phần đất hiện nay. Ngày 12.12.1918, ĐGM Quinton long trọng làm phép nhà thờ mới và Thánh Giuse được nhận làm Bổn Mạng họ đạo. Tháng 10.1954, tên gọi họ đạo Lagi được thay thế bằng Giáo xứ Tân Lý như hiện nay.
Vì thời cuộc, từ năm 1976 đến năm 1990, giáo xứ không có linh mục quản xứ, công tác mục vụ do cha quản xứ Bình An đảm trách. Đến năm 1990, Tân Lý vui mừng đón cha Giuse Nguyễn Việt Huy chính thức về làm quản xứ. Như cây được hồi sinh sau thời hạn hán, với tất cả nhiệt tâm, toàn thể giáo dân một lòng cùng với cha quản xứ xây dựng và phát triển Tân Lý mỗi ngày một tươi đẹp hơn.


Và Tân Lý hôm nay
Nhà thờ giáo xứ Tân Lý hiện nay tọa lạc ở phường Bình Tân, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận. Diện tích của giáo xứ khoảng 7 km2 với số giáo dân Tân Lý là 5192, giáo xứ đang trên đà phát triển mạnh các hoạt động tôn giáo và xã hội dưới sự hướng dẫn của cha quản xứ Giuse Nguyễn Kim Anh. Giáo dân mọi giới hầu như tham gia vào các hội đoàn. Với tuổi đời 125, Tân Lý thuộc vào hàng những giáo xứ lâu năm nhất của GP Phan Thiết. Cha Giuse Kim Anh qua Đức Giám Mục GP đã xin mở Năm Thánh cho giáo xứ và được Tòa thánh chấp nhận. Hồng Ân Năm Thánh125 năm là dịp để mỗi người trong giáo xứ nhìn lại những ơn thiêng Chúa ban cho giáo xứ nói chung và từng người nói riêng mà dâng lời tạ ơn và quyết tâm sống xứng với những ơn thiêng đó. Trong tâm tình Năm Thánh, Tân Lý tu sửa nhà thờ, sơn lại mái ngói, cửa nhà thờ Tân Lý, làm sân nhà thờ Tân Long, xây bờ kè ruộng Đức Mẹ, phục hồi việc ngắm 15 sự thương khó. Bên cạnh đó giáo xứ đóng thêm bàn ghế cho các lớp giáo lý, phát vở cho học sinh trong xứ, phát quà cho học sinh lương nghèo tại các trường trong phường, giao hảo với anh em lương dân, quan tâm đến người nghèo trong các dịp lễ. v.v. tất cả công việc đều được anh chị em giáo dân gởi trọn trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và Thánh Cả Giuse.


Xin cùng hiệp thông lời tạ ơn và nguyện xin cho giáo xứ Tân Lý tiếp tục phát triển ngày càng tốt đẹp hơn trong Thánh ý Chúa như lời nhắn gởi của Đức Cha Giuse về ba mục đích chính của năm thánh kỷ niệm 125 năm thành lập giáo xứ là: Ghi ân tiền nhân; Tạ ơn Thiên Chúa; Hiệp nhất, phát triển và truyền giáo.


Hình ảnh nhà thờ Giáo xứ Tân Lý

Credit of TuNgo







Hình ảnh và thông tin bổ sung xin gởi về
giaoxugiaohovietnam@Yahoo.com 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét